Tích hợp là một xu thế, một trào lưu dạy học phổ biến trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Dạy học tích hợp là một xu hướng của lý luận dạy học và được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Quan điểm dạy học tích hợp được xem là một định hướng lý luận của giáo dục Việt Nam hiện hành cũng như trong tương lai.
Dạy học tích hợp làm cho người học nhận thức được sự phát triển của xã hội một cách liên tục, thống nhất, thấy được mối liên hệ hữu cơ giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Môn học lịch sử có những kiến thức giao thoa với môn Ngữ văn, Địa lý, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, … Vì vậy, giáo viên Ngữ văn, Địa lý, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, … có thể kết hợp kiến thức lịch sử trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu của mình. Ngoài ra, có những môn tưởng chừng như không thể kết hợp kiến thức lịch sử trong quá trình giảng dạy, như môn Tin học, nhưng với một tinh thần gìn giữ, truyền bá lịch sử nước nhà và một tinh thần sáng tạo thì người giáo viên vẫn có thể lồng ghép được kiến thức lịch sử trong các bài giảng của mình, giáo viên Tin học có thể kết hợp kiến thức lịch sử trong các ví dụ về lập trình, …
Việc dạy và học lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay còn rất nhiều bất cập. Nhiều bài giảng lịch sử còn rất khô khan, không tạo được hứng thú cho người học. Học sinh có sự hiểu biết rất nông cạn về một chủ đề lịch sử nào đó. Hầu như các em không có sự kết hợp kiến thức lịch sử với kiến thức địa lý, chính trị; không hình thành được mạch tri thức về dòng chảy lịch sử. Điều này dẫn đến hậu quả là học sinh không còn yêu thích môn lịch sử, không muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà. Như chúng ta đã biết, lòng yêu nước chỉ được hun đúc qua những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Emile Faguet (1847 – 1916), nhà văn và nhà phê bình văn học người Pháp, đã từng nhận định: “Một dân tộc yêu nước là một dân tộc thuộc lịch sử mình, thích đọc đi đọc lại và thấm nhuần lịch sử ấy.”
Trước thực trạng dạy và học lịch sử như đã nêu trên, tôi thực hiện dự án: “Kết hợp lịch sử trong giảng dạy môn Tin học cấp Trung học phổ thông.”